HÀN QUỐC – Hơn 240 giáo viên, ở cả trường công và tư bị phát hiện bán trái phép đề thi thử của Kỳ thi Đánh giá Năng lực vào đại học (CSAT) cho các trung tâm luyện thi và kiếm tới 21,3 tỷ won (tương đương gần 390 tỷ đồng) trong 6 năm.
Đây là thông tin được Ban Kiểm toán và thanh tra (BAI) Hàn Quốc cho biết hôm 18/2.
Theo Yonhap News Agency, khi công bố báo cáo về mối quan hệ thông đồng giữa giáo viên trường công và các đơn vị tư nhân, BAI cho biết, 249 giáo viên đã bán đề thi thử từ năm 2018 đến tháng 6/2023, kiếm trung bình 85 triệu won/người (khoảng 1,5 tỷ).
Ban Kiểm toán và Thanh tra kết luận hành vi này vi phạm Điều 64 của Luật Công chức Quốc gia và Luật Chống Tham nhũng Hàn Quốc – cấm nhân viên nhà nước kinh doanh vì lợi nhuận mà không có sự cho phép của cấp trên.

Cơ quan này đã yêu cầu xử lý kỷ luật đối với 29 người có hành vi sai phạm nghiêm trọng, bao gồm 8 giáo viên trường công và 21 giáo viên trường tư; đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục phối hợp với các cơ quan giáo dục địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp với 220 giáo viên còn lại.
Theo kết quả cuộc kiểm tra, các giao dịch thường bắt đầu khi những lò luyện thi tư nhân câu kết với các tác giả sách luyện thi EBS (tài liệu học tập được biên soạn phục vụ chủ yếu cho việc ôn thi đại học) hoặc sử dụng các mối quan hệ cá nhân để liên hệ với giáo viên có khả năng tạo đề thi thử. Sách luyện thi EBS phổ biến đối với học sinh Hàn Quốc và có tỷ lệ trùng lặp với đề thi CSAT lên đến 50%.
Sau đó, các cơ sở luyện thi và giáo viên thỏa thuận mức giá tùy theo loại câu hỏi và độ khó của đề thi.
Theo Korea Joongang Daily, một số giáo viên bị phát hiện đã làm rò rỉ tài liệu luyện thi trên trước khi chúng được xuất bản và sử dụng lại chính những câu hỏi họ đã bán cho các trung tâm luyện thi trong các kỳ kiểm tra ở trường. Trong khi đó, một số khác vẫn tham gia vào ban ra đề thi cho kỳ thi đại học CSAT, dù trước đó đã có những giao dịch bất hợp pháp với các lò luyện thi tư nhân.
Ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc cũng công bố các biện pháp xử lý liên quan đến vụ bê bối một giáo sư địa phương tái sử dụng trái phép nội dung sách EBS trong bài thi tiếng Anh của kỳ thi CSAT năm 2023. Cơ quan này đã yêu cầu trường đại học của giáo sư đưa ra cảnh cáo và đề nghị Viện Nghiên cứu và Đánh giá Chương trình Giảng dạy Hàn Quốc (KICE) áp dụng hình thức kỷ luật, bao gồm cách chức hoặc đình chỉ công tác, đối với ba quan chức đã phớt lờ khiếu nại của học sinh.

Những ‘điểm nóng’ bán đề thi thử
Về mặt địa lý, tình trạng giáo viên bán đề thi diễn ra nghiêm trọng nhất ở khu vực thủ đô, bao gồm Seoul và tỉnh Gyeonggi. Riêng Seoul ghi nhận tổng giao dịch lên tới 16 tỷ won (chiếm 75,4% cả nước). Nếu tính cả 3,8 tỷ won (18%) tại Gyeonggi, tổng giá trị giao dịch tại hai khu vực này chiếm 93,4% toàn quốc. Tại Seoul, các giao dịch trái phép tập trung chủ yếu ở những quận có nhiều trung tâm luyện thi lớn.
Xét theo môn học, các câu hỏi thuộc lĩnh vực Khoa học có giá trị giao dịch cao nhất với 6,6 tỷ won (31,1%), tiếp theo là Toán học với 5,7 tỷ won (26,8%). Điều này được lý giải bởi xu hướng đề thi ngày càng xuất hiện nhiều câu hỏi “khó vượt chương trình”, khiến các trung tâm luyện thi coi việc có được nguồn đề độc quyền là lợi thế cạnh tranh. Môn Ngữ văn đứng thứ năm với 2 tỷ won.
Lỗ hổng giám sát
Ban Kiểm toán và Thanh tra chỉ ra rằng xu hướng ra đề thi ngày càng khó cùng với sự lỏng lẻo trong giám sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho tình trạng câu kết bán đề thi thử diễn ra.
Năm 2020, Bộ Giáo dục chỉ phản hồi khi có khiếu nại về việc giáo viên có thể cung cấp đề thi thử cho các trung tâm tư nhân hay không. Đến năm 2021, dù đã tiến hành điều tra tình trạng giáo viên có công việc ngoài giảng dạy, nhưng Bộ không có biện pháp xử lý ngay cả khi xác nhận có vi phạm.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục thành lập một đơn vị đặc biệt để xử lý các vấn đề bất cập, bao gồm giải tán các “liên minh giáo dục tư nhân” và điều tra sai phạm trong tuyển sinh. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa đạt kết quả đáng kể.
Trước những chỉ trích về quản lý lỏng lẻo, một quan chức Bộ Giáo dục cho biết: “Bộ đang cố gắng can thiệp vào hệ thống giáo dục tư nhân, đặc biệt là các lò luyện thi, thông qua việc yêu cầu cảnh sát vào cuộc để điều tra các hành vi sai phạm. Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát để ngăn chặn tái diễn”.
Giới giáo dục cho rằng nếu hệ thống thi đại học hiện tại không thay đổi, những giao dịch ngầm như vậy sẽ tiếp tục diễn ra. Một quan chức giáo dục nhận định: “Cơn sốt luyện thi do cạnh tranh quá mức trong tuyển sinh giống như một căn bệnh mãn tính ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc. Nếu hệ thống thi cử vẫn duy trì tình trạng ‘cả tương lai phụ thuộc vào điểm số CSAT’, vấn đề trên sẽ lặp lại”.
Bên cạnh đó, một số giáo viên lo ngại vụ bê bối này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng nghề giáo. Một giáo viên trung học chia sẻ: “Viết sách giáo khoa hay tài liệu ôn tập là một vinh dự với giáo viên. Tôi lo rằng những hành vi trục lợi của một số cá nhân sẽ làm xấu đi hình ảnh giáo viên trong mắt công chúng”.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/249-giao-vien-bi-phat-hien-ban-de-thi-thu-cho-cac-trung-tam-luyen-thi-2373108.html