Một buổi trình diễn thời trang kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản vừa diễn ra tại thành phố Istanbul, với sự kết hợp giữa kimono truyền thống và các thiết kế đương đại.
Chương trình “Trình diễn thời trang Thổ Nhĩ Kỳ-Nhật Bản”, do Tiến sĩ Sumiyo Okumura – nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ và nghệ thuật Hồi giáo tổ chức hôm 8/2, hướng đến việc làm nổi bật sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia và tăng cường mối quan hệ ngoại giao vừa bước qua dấu mốc 100 năm tính từ ngày thiết lập (6/8/1924).
![]() |
Trình diễn thời trang Thổ Nhĩ Kỳ-Nhật Bản nhân kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tối ngày 8/2 tại Istanbul. (Nguồn: Anadolu) |
Ảnh hưởng văn hóa trong thời trang
Là người giám sát khâu chuẩn bị, lựa chọn trang phục và nguồn cảm hứng văn hóa, bà Sumiyo Okumura đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng lịch sử sâu sắc của cả hai quốc gia đối với nghệ thuật và thời trang châu Âu.
“Đế chế Ottoman đã có tác động đáng kể, đặc biệt là ở Đông Âu, trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII”, bà lưu ý. Điều này thể hiện qua “hình ảnh giới chức (pasha) mặc trang phục Hoàng gia thời đế quốc Ottoman (caftan Ottoman) trong các bức tiểu họa và tranh khắc. Tương tự như vậy, sau thế kỷ XVIII, người Nhật Bản luôn mặc kimono truyền thống”.
Bà Sumiyo chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thời trang châu Âu trước khi áp dụng phong cách phương Tây, hay còn gọi là “kỷ nguyên Tây hóa”.
“Khi bước vào giai đoạn này, chúng tôi chuyển từ kimono sang váy, và các bạn chuyển từ caftan sang trang phục thường ngày. Nhưng với buổi trình diễn thời trang này, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi vẫn giữ gìn văn hóa và truyền thống của mình”.
![]() |
Tiến sĩ Sumiyo Okumura nhấn mạnh vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản trong việc định hình thời trang châu Âu trước khi bước vào “kỷ nguyên Tây hóa”. (Nguồn: Anadolu) |
Hơn một năm chuẩn bị
Bà Sumiyo cho biết, việc lựa chọn trang phục mất gần một năm rưỡi. Buổi trình diễn giới thiệu 6 bộ kimono truyền thống của Nhật Bản cùng với các thiết kế hiện đại của Yohji Yamamoto, thể hiện sự phát triển của thời trang Nhật Bản trong khi vẫn giữ được bản sắc truyền thống.
Đề cập những điểm tương đồng về văn hóa giữa hai nước, bà cũng chỉ ra sự khác biệt như, Thổ Nhĩ Kỳ “là quốc gia phổ biến về cưỡi ngựa, vì vậy trang phục của các bạn ngắn hơn. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, mọi người tham gia nhiều hơn vào công việc đồng áng, vì vậy họ mặc những trang phục đơn giản và thiết thực hơn”.
Nhắc lại mối liên kết sâu sắc giữa hai nước, bà nói thêm, “chúng ta ở hai đầu của châu Á, phương Đông và phương Tây. Chúng ta có thể ở xa nhau, nhưng chúng ta chia sẻ mối liên kết như anh chị em ruột”.
![]() |
Trình diễn thời trang Thổ Nhĩ Kỳ-Nhật Bản nhân kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. (Nguồn: Anadolu) |
Chia sẻ giá trị chung
Khi được hỏi về các giá trị chung giữa hai nền văn hóa, bà Sumiyo nêu rõ, đó là sự tôn trọng. “Ở Nhật Bản, chúng tôi cũng rất đề cao sự tôn trọng – dù là đối với cha mẹ, bạn bè hay người khác. Tôi tin rằng giá trị này vẫn tồn tại ở cả hai quốc gia chúng ta”.
Theo bà, người Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hiểu biết hơn về văn hóa Nhật Bản nhưng vẫn còn một số quan niệm sai lầm. “Ngày nay, mọi người đều biết sushi là gì. Mọi người ra ngoài ăn sushi. Họ cũng biết về kimono. Tuy nhiên, thật không may, khi nghĩ đến kimono, họ thường tưởng tượng đến thứ gì đó giống như áo choàng tắm. Nhưng hoàn toàn không phải vậy”.
Bà Sumiyo hy vọng rằng buổi trình diễn thời trang kỷ niệm dấu mốc đặc biệt lần này trong quan hệ hai nước sẽ mang đến sự trân trọng sâu sắc hơn đối với văn hóa Nhật Bản cũng như cách bảo tồn truyền thống của nước này trước những ảnh hưởng của phương Tây.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Nguồn: https://baoquocte.vn/100-nam-quan-he-ngoai-giao-nhat-ban-tho-nhi-ky-qua-lang-kinh-thoi-trang-303744.html