Sự xuất hiện của “lính mới” DeepSeek trong làng công nghệ đã góp phần củng cố sự tự tin của Trung Quốc vào khả năng tự chủ về công nghệ, đồng thời giáng một đòn mạnh vào niềm tin của Mỹ rằng họ có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một siêu cường.
![]() |
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Quốc: 1-0 nghiêng về Bắc Kinh, Washington chợt tỉnh? (Hình ảnh được tạo bởi AI) |
“Lời cảnh tỉnh” đối với Mỹ
“Khoảnh khắc Sputnik” vốn được dùng chỉ sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh năm 1957, mở ra cuộc chạy đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Nay giới đầu tư gọi sự kiện Công ty khởi nghiệp công nghệ DeepSeek của Trung Quốc ra mắt chatbot AI là “khoảnh khắc Sputnik” đối với các siêu cường AI của thế giới.
DeepSeek và mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek R1 – một đối thủ cạnh tranh “quá non trẻ” khi đứng cạnh “ông lớn” trong ngành công nghệ Mỹ là OpenAI và công cụ ChatGPT thuộc sở hữu của công ty này, đã làm lung lay niềm tin vào sự bùng nổ lĩnh vực AI Mỹ, khi chi phí phát triển ứng dụng AI thấp nhưng hiệu suất không hề thua kém.
Ngày 27/1, phiên giao dịch sau 1 tuần DeepSeek ra mắt – gây chấn động toàn cầu với tuyên bố có thể cạnh tranh với ChatGPT về hiệu suất, trong khi vượt trội đáng kể về chi phí, tờ The Guardian tạm thống kê – công ty mẹ của Google mất 100 tỉ USD, Microsoft mất 7 tỉ USD, Nvidia “bốc hơi” gần 600 tỉ USD vốn hóa chỉ trong một ngày, đánh dấu mức thiệt hại kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Giới chuyên gia trong ngành công nghệ đã lên tiếng phản đối tuyên bố của DeepSeek khi cho rằng, mô hình AI của họ được phát triển chỉ bằng một số lượng hạn chế chip Nvidia cấp thấp với giá chỉ 6 triệu USD, ít hơn nhiều so với hàng trăm triệu USD mà các công ty phương Tây đã chi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, mô hình AI của Trung Quốc có thể là một “sản phẩm phái sinh” của ChatGPT.
Liệu những tuyên bố của DeepSeek có chính xác hay không, hiện vẫn còn phải chờ xem, nhưng DeepSeek rõ ràng đã định hình lại cách sử dụng, triển khai và áp dụng các mô hình AI. Tổng thống Mỹ Trump cũng cho rằng, sự nổi lên đột ngột của DeepSeek “nên là lời cảnh tỉnh” cho các công ty công nghệ Mỹ. Cảnh báo các công ty Mỹ “cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh với Trung Quốc, tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ đã coi mô hình AI chi phí thấp là “một bước phát triển rất tích cực”.
Và theo giới quan sát, có một điều rõ ràng hơn là Washington cần phải xem xét lại cách trừng phạt nặng tay với đối thủ và “đòn đau bất ngờ có tên DeepSeek”, để tìm kiếm một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn trong cuộc “cọ xát” với quốc gia hiện đã là siêu cường thứ hai thế giới và đang tiến rất nhanh trong cuộc chạy đua công nghệ, đồng thời giữ ưu thế đặc biệt về “chi phí thấp”.
“Nhà vô địch giá rẻ”
Tờ Scmp bình luận, ý tưởng rằng Washington có thể kìm hãm sự tiến bộ AI của Bắc Kinh vốn đã rất viển vông.
Trên thực tế, Trung Quốc có lịch sử lâu dài về sản xuất công nghệ giá rẻ – yếu tố giúp họ tiếp tục thành công trong những năm gần đây. Bằng chứng là họ không chỉ thành thạo khả năng thiết kế công nghệ, mà “vô địch giá rẻ” đã là yếu tố đưa Bắc Kinh thống trị thị trường toàn cầu về xe điện, năng lượng mặt trời và robot.
Về việc này, giới phân tích chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể thiếu chip tiên tiến của Nvidia, nhưng họ lại kiểm soát trữ lượng lớn khoáng sản đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất. Bắc Kinh còn sở hữu một lợi thế quan trọng khác tạo nên thành công về AI, đó là quy mô lớn về dân số (1,4 tỷ người), được tích hợp sâu vào hệ thống giám sát nhà nước rộng lớn, đang tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty AI hàng đầu của nước này (như Baidu, Alibaba và Tencent) có thể tận dụng để đào tạo và tinh chỉnh các mô hình ngôn ngữ lớn.
Trung Quốc cũng đang sở hữu một hệ sinh thái rộng lớn các công nghệ bổ sung, giúp tăng cường và đẩy nhanh năng lực AI. Cụ thể, các ngành công nghiệp nội địa khổng lồ, từ công nghệ tài chính, nhận dạng khuôn mặt đến robot và xe tự hành… đều đang thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp AI do trong nước phát triển.
Phải chăng sự xuất hiện của DeepSeek giá rẻ từ Trung Quốc báo hiệu sự kết thúc vai trò thống trị của AI Mỹ?
Thực tế cho thấy, các lệnh trừng phạt của Washington đã không ngăn cản được sự cạnh tranh của Trung Quốc để giành ưu thế về AI. Dường như chúng còn phản tác dụng, khi tạo ra một hệ sinh thái chip hoàn toàn mới ở Trung Quốc. Năm 2024, chính Huawei đã công bố một loại chip thế hệ mới có thể cạnh tranh trực tiếp với một trong những chip tiên tiến của Nvidia về điện toán AI.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt có nguy cơ cô lập lợi ích kinh doanh của Mỹ và các đồng minh. Nvidia đã chứng kiến doanh số bán hàng sang Trung Quốc đại lục giảm từ 26% tổng doanh thu vào năm 2021 xuống còn 12% trong nửa đầu năm 2024. Các công ty trên toàn thế giới đều muốn tiếp cận công nghệ với giá cả phải chăng từ Trung Quốc.
“Khoảnh khắc Sputnik” của công nghệ
Mặc dù, AI vẫn đang trong chặng đầu của một hành trình, nhưng sự phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm” của nó đòi hỏi thế giới phải hành động ngay lập tức.
Giới phân tích cho rằng, đã đến lúc Mỹ từ bỏ cạnh tranh bằng các đòn trừng phạt về công nghệ cao và áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn, xây dựng hơn.
Thế giới đặt kỳ vọng, bằng cách cạnh tranh nhưng vẫn mang tính xây dựng, “hai ngôi sao dẫn đường”, Mỹ-Trung Quốc có thể thiết lập những hướng đi rõ ràng cho việc phát triển và sử dụng AI. Nếu không hợp tác, cả hai thế lực hàng đầu có nguy cơ phát triển các tiêu chuẩn, thuật toán và khuôn khổ đạo đức AI riêng biệt – có khả năng nảy sinh xung đột và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu.
Mối nguy hiểm thực sự nằm ở việc tiếp tục đi theo lộ trình kiềm chế, cô lập và ngờ vực – một cách tiếp cận có thể vô tình tạo ra chính viễn cảnh mà Mỹ muốn ngăn chặn – một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Không giống như cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân xoay quanh việc phát triển các loại vũ khí ngày càng tinh vi, một cuộc Chiến tranh lạnh do AI thúc đẩy sẽ được tiến hành bằng dữ liệu, thuật toán và khả năng mạng. Tuy nhiên, nó sẽ không kém phần bất ổn mà khả năng gây ra thảm họa cũng sẽ nguy hiểm như sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ.
DeepSeek củng cố mối lo ngại của Washington rằng, Trung Quốc sẽ tận dụng AI và công nghệ tiên tiến để tăng cường năng lực quân sự. Tuy nhiên, không giống như cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, một cuộc Chiến tranh lạnh mới do AI thúc đẩy có nguy cơ gây ra nhiều mối đe dọa khó lường hơn.
Mỹ và Trung Quốc không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn với các thế lực yếu hơn, có khả năng sử dụng AI. Và “hai người khổng lồ” sẽ cùng thua, khi ngay cả những thế lực yếu hơn cũng có thể xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của các chính phủ, làm tê liệt lưới điện hoặc tệ hơn là phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt giá rẻ.
Các nhà công nghệ cảnh báo, “Điều gì sẽ xảy ra nếu một thực thể nào đó tải xuống miễn phí một mô hình AI mã nguồn mở và chỉ việc chi vài triệu USD để đào tạo nó nhằm mục đích “khủng bố thế giới”?
Những gì từng có vẻ như là một kịch bản khoa học viễn tưởng giờ đây đã hoàn toàn trở thành một khả năng trong thế giới thực mà nhân loại sẽ sớm phải đối mặt, nếu Mỹ và Trung Quốc không hợp tác và tìm ra một phương thức chung cho thời đại AI.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-quoc-1-0-nghieng-ve-bac-kinh-washington-chot-tinh-305606.html